
Bởi Nirmala Raniga
“Khi tất cả những kỳ vọng trải dài qua tấm lưới của thời gian
Hẳn sẽ chỉ còn 2 điều còn lại
Ấy chính là Tình Yêu và Hạnh Phúc”
~ Hafiz
Con người là những sinh vật xã hội; chúng ta có mong muốn và khao khát được kết nối sâu sắc với nhau, để yêu và được yêu, để hiểu và được hiểu. Những mong muốn chính đáng ấy khi được nảy mầm từ sự trọn vẹn, thì các mối quan hệ sâu sắc sẽ dần được gieo trồng.
Tuy vậy, thông thường, chúng ta vẫn có thể gặp xung đột trong các mối quan hệ và cảm giác về sự cay đắng, oán giận, sợ hãi và giận dữ có thể khiến chúng ta mất đi niềm khát khao để kết nối yêu thương một cách sâu sắc, dẫn đến mối quan hệ bị hủy hoại và tan vỡ.
Những trở ngại cản trở việc xây dựng các mối quan hệ lành mạnh có thể được khắc phục bằng cách cải thiện việc giao tiếp của chúng ta với nhau. Việc mở các kênh giao tiếp hiệu quả giúp chúng ta xây dựng niềm tin và giảm căng thẳng.
4 bước của Giao tiếp trắc ẩn
Chúng ta có thể bắt đầu giao tiếp hiệu quả hơn với những người thương của mình bằng cách thực hành giao tiếp trắc ẩn, một phương pháp giao tiếp có sức ảnh hưởng lớn được phát triển bởi nhà tâm lý học Marshall Rosenberg. Bất cứ khi nào chúng ta thấy mình xung đột với ai đó trong cuộc sống, việc tự hỏi những câu sau đây sẽ làm rõ cảm xúc của bản thân và giúp chúng ta giao tiếp trong sự tỉnh táo, sáng suốt và đầy lòng trắc ẩn.
• Chuyện gì vừa xảy ra? Mô tả chân thật tình huống hiện tại đang khiến bạn rối tung mà không đưa ra bất kỳ phán xét hay đánh giá về những gì mà bạn hoặc người đó đã làm hay không làm. Mang ý thức trở về với hiện tại và quan sát tình huống mà không đưa sự phán xét nào bắt nguồn từ những trải nghiệm và cảm xúc trong quá khứ.
• Những cảm xúc đang phát sinh trong tôi là gì? Tiếp theo, hãy chú ý đến những cảm xúc đang đến với bạn và nơi nào trong cơ thể bạn cảm nhận được chúng. Đặt tên cho cảm xúc của bạn, tránh sử dụng những ngôn từ mang tính mô tả cảm xúc của mình như một nạn nhân, chẳng hạn như bị bỏ rơi, bị từ chối, bị hiểu lầm hoặc không được hỗ trợ. Bởi đó không phải là cảm xúc mà là những từ đánh giá về hành động của người khác. Việc chịu trách nhiệm về cảm xúc của bản thân giúp chúng ta hiểu thêm về chính mình và ngăn chúng ta có quan điểm từ một góc nhìn của người bị hại.
• Tôi không được nhận những gì mình cần Chúng ta thường xuyên mong đợi rằng người khác sẽ biết mình đang cần gì từ họ. Đây là phản ứng đã được chúng ta gieo trồng và nuôi dưỡng từ thời thơ bé, khi chúng ta luôn được ba mẹ hoặc người chăm sóc đáp ứng lấy nhu cầu của mình một cách tự nhiên mà không cần phải nói ra. Vậy nên, điềuquan trọng trong các cuộc đối thoại là chúng ta xác định được những gì mình cần và sau đó hãy yêu cầu trực tiếp. Bởi vì điều đó sẽ tránh gây hiểu lầm và giúp chúng ta gia tăng cơ hội tiếp tục cuộc đối thoại với nhu cầu được đáp ứng trọn vẹn hơn. .
• Tôi muốn yêu cầu điều gì? Khi bạn đã xác định được những điều mình cần, bước tiếp theo là đưa ra yêu cầu, càng cụ thể và rõ ràng càng tốt. Hãy từ bỏ tất cả sự liên quan người khác để đáp lại theo cách bạn muốn trong khả năng của bạn. Trong một mối quan hệ lành mạnh, cả hai người cần cảm thấy thoải mái để hỏi về những gì họ cần cũng như nói có hoặc không với các yêu cầu mà không bị đánh giá, đổ lỗi hoặc chỉ trích. Khi bạn thể hiện nhu cầu của mình và vẫn để ngỏ kết quả, bạn sẽ thấy các mối quan hệ của mình trở nên chân thực và trọn vẹn hơn. Cũng sẽ dễ dàng hơn để biết khi nào nên buông bỏ các mối quan hệ không không đáng.
Bằng cách cam kết thực hành tạo ra các mối quan hệ tích cực và giao tiếp với sự tỉnh thức, chúng ta cũng cam kết trong việc mời gọi những niềm vui và niềm khao khát lớn hơn vào cuộc đời mình. Khi chúng ta có những mối quan hệ lành mạnh, hãy để câu thần chú sau dẫn lối: Tôi sống trong dòng chảy của đam mê và tình yêu, không ngần ngại để những điều tuyệt vời ấy lấp đầy những nhu cầu thực sự bên trong mình với ánh sáng của tình yêu và niềm tin.
Dịch: YingEr – ALL Authentic Live&Learn
Editer: Nguyễn Thị Bích Ngọc
Nguồn: Nirmala Raniga ,2014, “Using Nonviolent Communication to Nurture Your Relationships“. At: https://chopra.com/articles/using-nonviolent-communication-nurture-your-relationships