Các nguyên lý chính ẩn sâu bên dưới giao tiếp không bạo lực

Những nguyên tắc ẩn chứa trong giao tiếp không bạo lực

Một người bạn từng bảo tôi rằng một đợt thiền định 10 ngày là sự chuẩn bị cho những ngày khó khăn nhất trong cuộc sống của chúng ta.

Tôi thì thấy rằng giao tiếp không bạo lực (NVC) là sự chuẩn bị cho những mâu thuẫn lớn nhất trong cuộc sống của chúng ta.

Khi mâu thuẫn trên trời rơi xuống trong tình bạn hoặc các mối quan hệ. Và chúng ta có xu hướng nói lời xúc phạm mà hủy hoại hoặc vấy bẩn mối quan hệ mãi mãi. Vai trò của NCV được thể hiện trong những tình huống như vậy.

NVC còn được sử dụng cho những khoảnh khắc dẫn đến những mâu thuẫn nghiêm trọng như trên. Thật sự là NVC giúp phòng ngừa những mâu thuẫn xuất hiện từ trong trứng nước bằng cách tạo dựng một nền tảng cho sự tin tưởng và tôn trọng lẫn nhau trong giao tiếp hàng ngày.

Điều kỳ diệu của NVC là ngay cả khi phản ứng ban đầu của chúng ta thường giống với sự tức giận, NVC dạy chúng ta hành động theo cách đáng tin cậy và tôn trọng nhất có thể, mà không có lộn xộn và sự hiếu chiến ngấm ngầm có thể dẫn đến ngờ vực và phẫn nộ.

NVC là gì?

Ở cấp độ cao nhất, NVC là một khung giao tiếp giúp giảm va chạm trong các cuộc trò chuyện của chúng ta.

Nhưng nó còn lớn hơn thế – nó là những lăng kính hoàn toàn khác để nhìn vào thế giới.

NVC liên quan đến các vấn đề sau:

1) Cách chúng ta thể hiện bản thân với người khác,

2) Làm thế nào chúng ta đồng cảm với họ.

 Và quan trọng nhất là

3) Cách chúng ta giao tiếp và kết nối với chính mình.

Mặc dù ban đầu có vẻ không như vậy, NVC về cơ bản là một ngôn ngữ khác – khác hẳn với ngôn ngữ chúng ta sử dụng ngày nay – và như vậy, nó có hàm ý hoàn toàn khác về cách chúng ta nhìn nhận thế giới và tương tác với người khác.

Tại sao lại là “ Giao tiếp không bạo lực”

Marshall Rosenberg, tác giả của Giao tiếp không bạo lực, chọn tiêu đề khiêu khích nhằm chỉ ra lối giao tiếp hằng ngày của chúng ta quỷ quyệt và bạo lực như thế nào (và làm thế nào mà chúng ta thậm chí không nhận ra) .

Đa số cho rằng bạo lực là những cố gắng làm tổn thương cơ thể của người khác. NVC còn xem bạo lực là việc ép buộc và sử dụng quyền lực lên người khác – bao gồm trừng phạt, khen thưởng, tội lỗi, xấu hổ, nhiệm vụ hoặc nghĩa vụ.

Nó cũng bao gồm hầu hết truyền thông của chúng ta ngày nay và cách mà các cơ quan xã hội của chúng ta (trường học, nhà thờ, nhà tù, hệ thống tư pháp) tái khẳng định loại ngôn ngữ và triết lý này.

Thuật ngữ “Giao tiếp không bạo lực” làm một số người không hài lòng, phần vì mọi người không cho rằng họ bạo lực, nhưng phần khác là vì nó chỉ mô tả được NVC không là gì, mà không mô tả NVC gì. Một số người đã đề nghị những tên gọi khác như Giao tiếp thấu cảm, Giao tiếp chân thành, Giao tiếp kết nối.

Bài này sẽ hé mở một số hàm ý và nguyên tắc chính của NVC. Những bài về sau sẽ đi sâu hơn vào việc thực hành NVC.

1. Ngôn ngữ là lăng kính cho chúng ta nhìn vào thế giới.

Trong sách của Hannah Arendt – “Eichmann ở Jerusalem”, Eichmann đã hỏi, “Bạn có gặp khó khăn để tiễn mười ngàn người này về cõi chết?” Và Eichmann đã trả lời rất ngọt, “Nói thật với bạn, cũng dễ thôi. Ngôn ngữ của chúng tôi làm nó dễ dàng

Người phỏng vấn hỏi ngôn ngữ đó là gì, Eichmann trả lời, “Tôi và các đồng nghiệp đặt tên riêng cho ngôn ngữ của mình. Chúng tôi gọi nó là amtssprache – ‘tiếng nói văn phòng’”. Khi được yêu cầu cho ví dụ, Eichmann đã nói: “Nó về cơ bản là một ngôn ngữ mà bạn từ chối chịu trách nhiệm cho hành động của mình. Nên khi một người nói  ‘Tại sao bạn làm vậy?’, bạn trả lời ‘Tôi phải làm vậy’. ‘Tại sao bạn phải làm vậy?’, ‘Do mệnh lệnh của cấp trên’. Chính sách của công ty. Luật lệ là vậy.”

Ngôn ngữ hình thành nhận thức. Theo nghĩa đen, lời nói mà ta dùng quyết định cách chúng ta nhìn nhận thế giới. Nếu chúng ta không sử dụng một số từ nhất định, chúng ta sẽ không thấy những thứ nhất định.

Thật điên rồ phải không?

Ví dụ, nếu bạn nói “ông chủ của tôi làm tôi phát điên”, bạn thực sự sẽ nghĩ rằng ông chủ của bạn đang “làm” bạn trở nên điên rồ. Thay vào đó, nếu bạn nói rằng: “Tôi hoang mang vì tôi muốn sự ổn định và nhất quán trong mối quan hệ này” thì bạn sẽ nghĩ bạn có thể kiểm soát mức độ hoang mang của mình và giải quyết rõ ràng những gì bạn muốn. Nếu ai đó đang làm bạn nổi điên, thì bạn không thể làm gì được. Nếu bạn kiểm soát cảm xúc của mình, bạn có thể hành động để thay đổi cách bạn phản ứng với nguyên nhân.

Lời nói có thể là cửa sổ và cũng có thể là bức tường – chúng có thể mở cửa cho lòng trắc ẩn hoặc ngược lại. NVC sử dụng lời nói như những cửa sổ. Ngôn ngữ của chúng ta ngày nay sử dụng chúng như những bức tường. Điều này sẽ được bàn thêm.

2) Có sự khác biệt giữa kích thích và phản ứng.

Điều này thật tinh tế nhưng mạnh mẽ: Bước đầu tiên để bước vào ý thức của ta là nhận ra rằng những gì người khác làm không bao giờ là nguyên nhân khiến chúng ta cảm thấy như thế nào.

Điều gì là nguyên nhân khiến chúng ta cảm thấy thế nào đó? NVC cho rằng chúng ta cảm nhận thế nào là kết quả của việc chúng ta diễn giải như thế nào về hành vi của người khác tại bất kỳ thời điểm nào.

Nếu tôi yêu cầu bạn gặp tôi lúc 6:00 và bạn đón tôi lúc 6:30, tôi cảm thấy thế nào? Còn tùy. Tôi có thể thất vọng vì bạn đến muộn vì tôi muốn dành thời gian của mình một cách hiệu quả hoặc sợ rằng bạn có thể không biết tìm tôi ở đâu hoặc bị tổn thương bởi vì tôi cần chắc rằng bạn quan tâm đến tôi – hoặc ngược lại, hạnh phúc vì tôi có nhiều thời gian hơn cho bản thân mình.

Khi tôi cảm thấy thất vọng hoặc bị tổn thương hoặc sợ hãi, tôi muốn tìm hiểu tại sao tôi lại cảm thấy như vậy. Sẽ không đủ nếu đổ lỗi lên người gây ra hành động kích hoạt cảm giác đó. Cùng một hành động đó có thể đã truyền cảm hứng hoàn toàn khác nhau với một người khác – hoặc thậm chí với tôi, trong những hoàn cảnh khác nhau!

Phạm vi rộng này cho chúng ta thấy rằng chúng ta kiểm soát cảm xúc của mình – những người khác không thể gợi ra toàn bộ phạm vi cảm xúc trong chúng ta. Có điều gì đó đã xảy ra trong tôi vào lúc đó khiến tôi phản ứng như vậy. Khu trú vào các nhu cầu chưa được đáp ứng có ý nghĩa rất nhiều đối với tôi và hỗ trợ cho suy nghĩ nội tại của tôi. Tôi cần gì trong khoảnh khắc đó mà tôi không nhận được?

Các sự cố như người bạn đến muộn có thể kích thích hoặc tạo tiền đề cho cảm xúc, nhưng chúng không * gây ra * cảm xúc.

NVC là một ngôn ngữ phản chiếu điều này.

Có một khoảng cách giữa kích thích và nguyên nhân – và sức mạnh của chúng ta nằm ở cách chúng ta sử dụng khoảng cách đó.

Nếu chúng ta thực sự hiểu điều này – sự tách biệt giữa kích thích và nguyên nhân – và hiểu rằng chúng ta chịu trách nhiệm cho cảm xúc của chính mình, chúng ta sẽ nói rất khác.

Chúng ta sẽ không nói những điều: “Nó làm tôi bực mình khi…” hay “Nó làm tôi giận dữ  khi”. Những cụm từ này ngụ ý hoặc thực sự nói lên rằng trách nhiệm đối với cảm xúc của bạn nằm bên ngoài chính bạn. Một câu nói tốt hơn sẽ: “Khi tôi thấy bạn đến muộn, tôi bắt đầu cảm thấy sợ hãi”. Ở đây, ít nhất người ta có thể chịu một số trách nhiệm cho cảm giác tức giận, và không chỉ đơn giản là đổ lỗi cho người đến muộn đã gây ra cảm giác như vậy.

Tương tự, chúng ta cũng sẽ không chịu trách nhiệm cho cảm xúc của người khác. Nếu chúng ta đến muộn, chúng ta sẽ thấy không đủ để nói: “Tôi rất tiếc, tôi làm bạn sợ”. Một lời nói tốt hơn nhiều là: “Khi tôi thấy bạn sợ hãi như thế nào, tôi cảm thấy buồn vì tôi coi trọng sự an toàn của bạn”.

Điều này có vẻ chỉ đơn thuần là ngữ nghĩa, nhưng nó thật sự quan trọng – NVC chỉ ra rằng ngữ nghĩa đó là quan trọng – chúng ta càng sử dụng ngôn ngữ của mình để giao trách nhiệm cho người khác, chúng ta càng ít có sức mạnh hơn trong hoàn cảnh của mình, và chúng ta càng biến mình thành nạn nhân.

3) Tất cả các phán xét là biểu hiện bi thảm của nhu cầu chưa được đáp ứng.

Theo NVC, tất cả những gì mọi người thể hiện là cảm xúc và nhu cầu của họ.

Thật vậy: Điều duy nhất mà mọi người đang nói, bất kể họ đang thể hiện nó như thế nào, là họ đang như thế nào và họ muốn làm cho cuộc sống tốt hơn nữa.

Phán xét không ghi nhận thực tế này. Thay vì đi đến trái tim của chúng ta để kết nối với những gì chúng ta cần và không nhận được, chúng ta hướng sự chú ý của mình đến việc phán xét người khác làm sai gì vì không đáp ứng nhu cầu của chúng ta.

Nhưng tại sao các phán xét là biểu hiện bi thảm của nhu cầu chưa được đáp ứng?

Bởi vì khi chúng ta làm điều này, nhu cầu của chúng ta thậm chí ít có khả năng được đáp ứng hơn, bởi vì khi chúng ta đưa ra lời phán xét rằng người khác đã sai theo cách nào đó, những phán xét này thường tạo ra sự phòng thủ hơn là học hỏi hoặc kết nối. Nói cách khác, chúng ta ở một vị trí tệ hơn so với khi chúng ta bắt đầu.

NVC tin rằng, là con người, chỉ có hai điều mà về cơ bản chúng ta đang nói: Xin vui lòng và Cảm ơn. Phán xét là những nỗ lực bị bóp méo để nói “Xin vui lòng.”

4) NVC là một ngôn ngữ động chứ không phải là ngôn ngữ chết, và như vậy, không sử dụng động từ “là”

NVC là một ngôn ngữ có tính quá trình. Khi chúng ta nói bất cứ điều gì về bản thân mình,  “tôi là một…” đó là suy nghĩ chết; nó đặt chúng ta vào một cái hộp và dẫn đến những lời tiên tri tự hoàn thành.

Đáng thương thay, khi chúng ta nghĩ rằng chúng ta (hoặc ai đó) là một cái gì đó, chúng ta thường hành động theo cách làm cho điều đó xảy ra.

Như vậy, NVC tránh việc sử dụng tính từ sau chủ thể. Trong NVC; bạn không nói, “người này lười biếng”, “người này bình thường”, “người này đúng”. Đối với NVC sẽ không có: bình thường, bất thường, đúng, sai, tốt hay xấu.

NVC tin rằng đây là sản phẩm của ngôn ngữ mà theo truyền thống đã huấn luyện con người sống dưới một vị vua. Nếu bạn muốn đào tạo mọi người trở nên ngoan ngoãn với cơ quan có thẩm quyền cao hơn hoặc để phù hợp với các cấu trúc phân cấp theo cách phụ thuộc, điều quan trọng là khiến mọi người nghĩ thế nào là “đúng,” thế nào là “bình thường”, “phù hợp” là gì, nhằm để trao quyền lực đó cho một người có thẩm quyền ở trên đỉnh, người định nghĩa chúng là gì.

Khi mọi người được nuôi dưỡng trong nền văn hóa đó, họ bị lừa bởi trò này. Khi họ đang đau đớn nhất và đang cần giúp đỡ nhiều nhất, họ không biết cách thể hiện nó ngoại trừ bằng cách gọi tên người khác.

Từ cuốn sách, Sống cùng Giao tiếp không bạo lực (Living Nonviolent Communication):

“Với NVC, chúng tôi muốn phá vỡ chu trình đó. Chúng tôi biết rằng nền tảng của bạo lực là khi người ta đau đớn và không biết cách nói ra điều đó một cách rõ ràng. Có một cuốn sách tên là Out of Weakness – Bên ngoài Yếu đuối, của Andrew Schmookler. Ông viết rằng: bạo lực – cho dù chúng ta đang nói về bạo lực bằng lời nói, tâm lý hoặc thể xác giữa chồng và vợ, cha mẹ và con cái hoặc quốc gia – về cơ bản là mọi người không biết cách liên lạc với những gì đang xảy ra bên trong.

Thay vào đó, họ đã được dạy một ngôn ngữ chỉ ra rằng có những kẻ thù ngoài kia, những kẻ xấu ngoài kia, những kẻ đang gây ra vấn đề. Tiếp đến, bạn có một quốc gia mà ngay cả nhà lãnh đạo cũng sẽ nói về một quốc gia khác, “Chúng là đế chế tà ác”. Sau đó, các nhà lãnh đạo của quốc gia khác sẽ đáp lại, “Đây là những kẻ áp bức đế quốc”, thay vì nhìn thấy và bộc lộ nỗi đau, sợ hãi và những nhu cầu không được đáp ứng đằng sau những lời nói của người khác”

Đó là lý do tại sao những người thực hành NVC cam kết phải nghe thấy nỗi đau và nhu cầu đằng sau bất kỳ tên gọi nào – không phải chỉ đón nhận nó và không phải chỉ đáp lại bằng sự tử tế.

Tương tự như vậy, chúng ta không dán nhãn chính mình. Là một người thực hành NVC, chúng ta không nghĩ bản thân mình là “một người sáng giá”. Nếu chúng ta làm như vậy, chúng ta sẽ tiêu tốn một khoảng thời gian dài để đặt câu hỏi liệu chúng ta có phải là “người vô dụng” hay không. Người thực hành NVC không tiêu tốn thời gian để nghĩ về họ là loại người nào; họ nghĩ về từng khoảnh khắc – không phải “Tôi là gì?” mà là “Cuộc sống nào đang diễn ra trong tôi lúc này?”

Thử nghĩ có lạ lùng không? Nếu một người thường lười biếng, tại sao không chỉ nói “Hắn lười biếng?”

Bởi vì, như Marshall Rosenberg đã từng nói, “khi bạn dán nhãn cho người khác thì bạn đang đặt họ vào một cái hộp – và tôi đang nói đến một cái quan tài”. Bạn sẽ đối xử với họ như thể họ không thể thay đổi – không phải trong giờ tiếp theo cũng không phải năm sau.

Điều này thật đơn giãn. Hãy để tôi giải thích: Ví dụ, xem xét một băng ghế. Mỗi phân tử trong băng ghế được tạo ra từ bên trong một ngôi sao, vốn đã phát nổ, bắn lõi của nó khắp vũ trụ. Các phân tử này đã tồn tại dưới dạng khác nhau trước khi thành băng ghế này – rừng, mặt đất, v.v., và sẽ tiếp tục thay đổi sau khi băng ghế không còn nữa.

Vậy là nhiều hơn so với cái nhãn “băng ghế” đã được dán, nhưng chúng ta gọi nó là một băng ghế để chúng ta biết rằng chúng ta có thể ngồi lên nó. Các danh tính chúng ta chiếu lên người khác đưa ra những chỉ dẫn. Điều này không có hại với những băng ghế, nhưng nó đặc biệt có hại với con người.

Một số người khăng khăng cho rằng, ví dụ, nhân viên ngân hàng Phố Wall là những người bảo thủ, kiêu ngạo và làm việc chỉ vì tiền.

Điều này khiến chúng ta trở nên: hiểu biết, tự tin và có sứ mệnh. Chúng ta phán xét / chỉ trích người khác mà chính là chúng ta sợ bản thân mình nhất.

Con người sử dụng các khái niệm để giúp điều hướng thế giới. Một băng ghế để ngồi, vì vậy chúng tôi sẽ không thử cắm điện thoại di động của mình và mong nó sạc. Chúng ta chiếu ‘khái niệm” lên con người để sử dụng chúng.

Nhưng các khái niệm là chết, và cuộc sống là một quá trình.

Chúng ta đang bỏ lỡ những gì thực sự xảy ra với người khác khi chúng ta phán xét, và điều đó làm chúng ta hành động dựa vào phán xét theo một cách nào đó làm kích động chính những chuyện chúng ta đang dán nhãn

5) Vì phán xét là biểu hiện bi thảm của những nhu cầu chưa được đáp ứng, NVC không sử dụng các từ ngữ “tốt” hay “xấu”, “đúng” hay “sai”.

NVC không nói những từ trên không tồn tại hoặc không có căn cứ nào, nó chỉ nói rằng những điều trên hiếm khi mang lại những gì chúng ta muốn – thay đổi hành vi lâu dài.

Nói như vậy, NVC không phải là những thánh ngữ khó hiểu theo thuyết đạo đức tương đối, hoặc là giấy phép để thoát khỏi bất cứ điều gì. Thật ra: NVC phân biệt giữa phán xét giá trị và phán xét đạo đức

Phán xét giá trị là niềm tin về những gì đáp ứng nhu cầu của bạn; phán xét đạo đức là những phân tích tĩnh về con người.

Tất cả chúng ta đều đưa ra những phán xét giá trị về những phẩm chất mà chúng ta coi trọng trong cuộc sống. Ví dụ, chúng ta có thể coi trọng sự trung thực, tự do hoặc hòa bình. Những phán xét giá trị phản ánh niềm tin của chúng ta về cách cuộc sống có thể được phục vụ tốt nhất.

Chúng ta đưa ra những phán xét đạo đức về con người và hành vi không ủng hộ những phán xét giá trị của chúng ta. Ví dụ, “Bạo lực là xấu. Những người giết người khác là xấu xa.”

NVC cố gắng nói rõ nhu cầu và giá trị của chúng ta trực diện, hơn là ám chỉ sự sai trái khi chúng chưa được đáp ứng. Ví dụ, thay vì “Bạo lực là xấu”, thì chúng ta có thể nói , “Tôi rất sợ việc sử dụng bạo lực để giải quyết xung đột; Tôi coi trọng việc giải quyết xung đột của con người thông qua các phương tiện khác”

Mặc dù NVC không sử dụng thuật ngữ tốt hay xấu, nó có nói rằng trái ngược với Trạng thái tự nhiên theo thuyết của Hobbes, thiên hướng tự nhiên của chúng ta là đóng góp vào hạnh phúc của người khác.

Điều này ngụ ý rằng giáo dục của chúng ta là nguyên nhân gây ra bạo lực, không phải bản chất của chúng ta.

Thật vậy: Các phán xét đạo đức xây dựng trên một nền thần học ngụ ý rằng con người rất lười biếng, xấu xa và bạo lực. Do đó quá trình sửa chữa là sám hối. Hệ thống pháp luật và nhà tù của chúng ta được xây dựng trên điều này. Bạn phải làm cho con người ghét bản thân họ vì những gì họ đã làm, để tin rằng họ xứng đáng phải chịu khổ vì những gì họ đã làm.

Một lần nữa: NVC là một loại ngôn ngữ hoàn toàn khác.

NVC yêu cầu học cách nói nhu cầu của bạn là gì, nhu cầu nào đang tồn tại trong bạn tại một thời điểm nhất định, nhu cầu nào đang được đáp ứng, và nhu cầu nào không được đáp ứng.

Và điều đó rất khó đối với mọi người. Họ đã được dạy rằng xác định kết nối với nhu cầu của bản thân là ích kỷ và yếu đuối. Họ đã được dạy để tin rằng trở thành một người đàn ông mạnh mẽ (hoặc một người phụ nữ chu đáo) có nghĩa là bạn không có nhu cầu. Bạn hy sinh nhu cầu của bạn để chu cấp và chăm sóc gia đình của bạn. Nhu cầu không quan trọng. Điều quan trọng là sự phục tùng chính quyền. Đó là điều quan trọng.

Với nền tảng và lịch sử đó, chúng ta đã được dạy một ngôn ngữ mà không dạy chúng ta cách nói chúng ta đang thế nào. Nó dạy chúng ta lo lắng về những gì chính quyền thấy ở chúng ta. Họ sẽ nghĩ gì về tôi? Họ sẽ nghĩ tôi ngu ngốc chứ? Họ sẽ nghĩ tôi có năng lực chứ?

Khi tâm trí của chúng ta bị chiếm lĩnh theo cách đó, chúng ta gặp khó khăn khi trả lời một câu hỏi có vẻ dễ, đươc hỏi trong tất cả các nền văn hóa trên khắp thế giới, “Bạn thế nào?”. Đó là một cách để hỏi điều gì đang diễn ra trong bạn. Nó một câu hỏi tất yếu. Mặc dù nó đã được hỏi ở nhiều nền văn hóa, người ta không biết cách trả lời vì họ đã không được giáo dục trong một nền văn hóa mà quan tâm đến bạn đang thế nào.

Sự thay đổi cần thiết đòi hỏi phải có khả năng để nói, bạn cảm thấy như thế nào tại thời điểm này, và những nhu cầu đằng sau cảm xúc của bạn là gì? Và khi chúng tôi đặt những câu hỏi đó cho những người có trình độ học vấn cao, họ không thể trả lời. Hỏi họ cảm thấy thế nào, và họ nói rằng “Tôi cảm thấy rằng chuyện đó sai”. Sai không phải là một cảm giác. Sai là một suy nghĩ.

Vì vậy, chúng tôi hỏi họ một lần nữa, “Bạn cảm thấy thế nào?” “Ờ thì, tôi cảm thấy rằng khi người ta làm chuyện như vậy, đó là bằng chứng của một sự xáo trộn tính cách.” Đó không phải là cảm giác. Đó là một phán xét. Và chúng tôi hỏi lại: “Nhưng bạn cảm thấy sao?”

“Thì, tôi cũng không có cảm giác gì về nó.”

Và họ không nói dối. Khi tâm trí của bạn đã được định hình để lo lắng về những gì mọi người nghĩ về bạn, bạn sẽ mất kết nối với những gì đang diễn ra trong bạn.

Chúng tôi dạy mọi người sử dụng các phán xét mà họ đã học như một cửa sổ đến tâm hồn, đến trái tim của họ, và để nhìn ra phía sau những phán xét, đến những nhu cầu đằng sau cảm xúc. Nó là một ngôn ngữ và ống kính khác.

6) NVC không sử dụng hình phạt hoặc phần thưởng để kích động sự thay đổi hành vi.

Vì NVC tin rằng con người là tốt, nên NVC cũng tin rằng hình phạt, tội lỗi, sự xấu hổ, ép buộc và tất cả các biện pháp trừng phạt khác mà chúng ta sử dụng ngày nay để “giữ cho mọi người trung thực” là không hiệu quả trong dài hạn.

Trừng phạt cho rằng “sự xấu xa” là một phần của những người cư xử theo những cách nhất định, và nó kêu gọi trừng phạt để khiến họ ăn năn và thay đổi hành vi.

NVC tin rằng chính sự quan tâm của mỗi người đến việc thay đổi, không phải để tránh bị trừng phạt, mà vì họ thấy sự thay đổi này mang lại lợi ích cho chính họ.

Bạn không chỉ muốn hành vi được thay đổi, bạn muốn động lực cơ bản của họ cũng thay đổi. Bởi vì bạn có thể kiểm soát hành vi ngắn hạn, nếu họ không thực hiện nó vì những lý do chính đáng, thì một khi quyền lực không còn nữa (quyền lực hiếm khi là mãi mãi) thì hành vi của họ sẽ trở lại như trước đây.

Như vậy, NVC thích “sức mạnh cùng nhau” hơn là “quyền lực bên trên”, bởi vì “sức mạnh cùng nhau” thì bền lâu, trong khi “quyền lực bên trên” thì ngắn hạn.

Nhưng bạn không cần phải trừng phạt những người phạm tội, hay sử dụng hình phạt đe dọa để ngăn cản mọi người làm như vậy sao? Hoặc bạn không cần khen thưởng và khuyến khích mọi người để họ làm những gì bạn muốn sao?

Thật thú vị khi niềm tin này ăn sâu vào xã hội của chúng ta đến vậy. Triết lý ẩn bên dưới của trừng phạt và khen thưởng là giả sử mọi người về cơ bản là xấu xa hoặc ích kỷ, thì quá trình sửa sai – nếu họ cư xử theo cách bạn không thích – là hãy khiến họ ghét chính họ vì những gì họ đã làm.

Nếu một phụ huynh, ví dụ, không thích những gì đứa trẻ đang làm, thì cha mẹ nói điều gì đó như “Nói con xin lỗi đi !!”. Đứa trẻ nói “Con xin lỗi”. Bố mẹ nói là “Không! Con không thực sự xin lỗi!”. Sau đó, đứa trẻ bắt đầu khóc. “Con xin lỗi mà. . .”. Phụ huynh nói rằng, “Được rồi, mẹ tha thứ cho con.”

Bạn thấy đấy, cách tiếp cận đó là nền tảng của những xung đột của chúng ta với trẻ em và với tội phạm – chúng ta đã được giáo dục để tin rằng bạn phải làm cho một người đau khổ vì những gì họ đã làm, ghét chính họ, để sám hối – chúng ta thậm chí còn gọi nhà tù của chúng ta là nhà sám hối.

Tôi nghĩ nó có tác động ngược lại – bạn càng khiến một người ghét chính mình, họ càng cư xử theo cách mà chúng ta không thích.

Dữ liệu hỗ trợ việc này: Nhà tù không có tác dụng. Chúng thực sự làm cho mọi thứ tồi tệ hơn. 2/3 tù nhân trở lại nhà tù. Họ có nhiều khả năng quay trở lại nhà tù hơn là nếu ngay từ đầu họ đã không vào tù.

NVC đề nghị rằng bất cứ khi nào một người làm những gì chúng ta muốn mà không có động cơ vụ lợi (và không sợ bị trừng phạt hoặc cảm thấy tội lỗi, xấu hổ, nhiệm vụ hoặc nghĩa vụ) – chúng tôi sẽ trả tiền cho điều đó. Chúng ta có thể thắng trận chiến, nhưng chúng ta sẽ thua cuộc chiến. Nếu bạn thấy mọi người là tội phạm, họ sẽ trở thành tội phạm.

Thật không may, đó là cách mà hệ thống tư pháp của chúng ta được thiết lập. Nó được thành lập để trừng phạt mọi người và khiến họ đau khổ vì những gì họ đã làm.

Đó là lý do tại sao NVC ủng hộ mạnh mẽ công lý phục hồi và đang làm việc với các nhóm khác nhau trên khắp thế giới để thay đổi hệ thống hiện tại của chúng ta.

Trên đây là một số nguyên tắc cơ bản của NVC.

Nếu bạn muốn tìm hiểu thêm, chúng tôi đang lên kế hoạch cho một hội thảo về NVC trong tương lai gần. Nhấp vào đây để đăng ký!

Với những ai muốn tìm hiểu sâu hơn, hãy đọc cuốn sách của Marshall Rosenberg – Nonviolent Communication, và xem thử Communication Dojo. của Newt Bailey’s.  Cả hai cuốn sách đều truyền cảm hứng cho phần lớn những gì viết ở trên.

Nguồn bài: Principles underlying Nonviolent Communication – Erik Torenberg

https://medium.com/@eriktorenberg_/principles-underlying-nonviolent-communication-9a4f44b7cff6

Dịch bài: Trần Thị Thu Hiền

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.

%d người thích bài này: