
Một số nhà phê bình cho rằng lòng biết ơn là ích kỷ và gây ra tính tự mãn. Nhưng nghiên cứu của Christina Armenta và Sonja Lyumobirsky lại cho ta thấy một góc nhìn khác.
Lòng biết ơn đang là một chủ đề nóng trong những năm gần đây. Những người nổi tiếng từ Oprah tới James Taylor hay Ariana Huffington đã khuyến khích “thái độ về lòng biết ơn”, và những bài báo, hasgtag, thử thách về lòng biết ơn trở nên càng ngày càng phổ biến. Sự nhiệt thành này phần lớn bắt nguồn từ những nghiên cứu về lòng biết ơn có liên kết với hạnh phúc, sức khỏe và những mối quan hệ khỏe mạnh hơn.
Tuy nhiên vẫn có một làn sóng phản bác. Một số nhà phê bình và những người đa nghi cho rằng lòng biết ơn gây ra sự tự thỏa mãn và chấp nhận hiện trạng. Nhiều bài báo, bao gồm một bài trong tờ New York Times do Barbara Ehrenreich viết gần đây, quả quyết rằng lòng biết ơn có thể ích kỷ và bê tha, khiến người ta cảm thấy thỏa mãn với những gì họ có hơn là theo đuổi những mục tiêu cá nhân lớn lao, hay làm việc để giúp đỡ người khác. Tác giả một bài viết trên Harvard Crimson tranh luận rằng lòng biết ơn có thể “là một dạng tự mãn” và rằng sự mắc nợ từ lòng biết ơn có thể “đang trên đường phát triển”.
Vậy lòng biết ơn có dẫn tới tự mãn không? Có phải tất cả lợi ích từ lòng biết ơn đều trả giá bằng sự lười biếng, thờ ơ, và chấp nhận những bất bình đẳng?
Dựa trên nghiên cứu được thực hiện trong hai thập kỷ qua, và những phát hiện gần đây từ phòng thí nghiệm của chúng tôi ở UC Riverside, chúng tôi tin rằng câu trả lời là Không. Thực ra, chúng tôi tìm hiểu thấy rằng lòng biết ơn không chỉ là một cảm xúc vui vẻ, thụ động, mà là một tác động kích hoạt, tiếp năng lượng để dẫn dắt chúng ta theo đuổi mục tiêu và trở thành người tốt hơn, kết nối xã hội tốt hơn.
Lòng biết ơn thúc đẩy sự tự hoàn thiện bản thân. Trong nhiều năm, các nghiên cứu liên tục thử thách nhận định sai rằng lòng biết ơn khuyến khích sự tự thỏa mãn và chấp nhận hiện trạng; những nghiên cứu này đề xuất rằng lòng biết ơn có thể tạo động lực cho những hành vi dẫn đến sự tự hoàn thiện và thay đổi tích cực.
Ví dụ, nghiên cứu năm 2011 của Robert Emmons và Anjali Mishra tìm ra con người cảm thấy có động lực và nhiều năng lượng khi họ trải nghiệm sự biết ơn, và lòng biết ơn khuyến khích họ có thêm bước tiến hướng tới mục tiêu của mình. Trong nghiên cứu này, sinh viên được hướng dẫn liệt kê ra những mục tiêu họ muốn hoàn thành trong vòng hai tháng tới, và rồi họ được chỉ định ngẫu nhiên hoặc cần đếm những may mắn gặp được, hoặc liệt kê những rắc rối, hoặc hoàn thành hoặt động ghi chép trung lập mỗi tuần trong vòng 10 tuần. Những bạn trong nhóm biết ơn báo cáo lại có nhiều bước tiến hơn hướng tới mục tiêu của mình. Thêm vào đó, một nghiên cứu năm 2009 do Nathaniel Lambert phụ trách đã cho thấy lòng biết ơn dẫn dắt người ta tin tưởng rằng họ xứng đáng có được những kết quả tích cực cho bản thân và có khả năng đạt được những kết quả đó.
Thực sự là lòng biết ơn có liên kết với thành công và thành quả trong nhiều lĩnh vực, bao gồm sức khỏe và học thuật. Trong một nghiên cứu năm 2003 của Robert Emmons và Michael McCullough, những người tham gia đếm số lượng may mắn của mình đã ghi nhận ít triệu chứng bệnh tật hơn và có hơn 1.5 giờ tập luyện thể dục mỗi tuần. Thêm vào đó, những sinh viên giàu lòng biết ơn có xu hướng đạt điểm trung bình cao hơn, tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa hơn, và có mong muốn đóng góp cho xã hội mạnh mẽ hơn. Quan trọng hơn, lòng biết ơn cũng dẫn đến ít hành vi rủi ro hơn ở tuổi thiếu niên, bao gồm chuyện giảm bớt sử dụng chất gây nghiện và ít những hành vi tình dục rủi ro hơn. Những phát hiện này cho thấy lòng biết ơn tạo động lực cho người ta kết nối với những hoạt động tốt đẹp, lành mạnh hơn, đóng góp vào thành công của họ.
Lòng biết ơn cũng truyền cảm hứng cho chúng ta để đối xử tốt với người khác. Ví dụ với một nghiên cứu năm 2006 của monica Bartlett và David DeSteno, những người cảm thấy biết ơn – vì nhận được trợ giúp từ người khác – sau đó sẽ có nhiều nỗ lực hơn để giúp đỡ ân nhân của họ, hơn là những người cảm thấy thích thú hoặc không cảm thấy gì. Thú vị là những người cảm thấy biết ơn có nhiều khả năng hơn trong chuyện giúp đỡ những người hoàn toàn xa lạ. Những phát hiện này cho thấy cảm thấy biết ơn không chỉ khiến người ta muốn trả ơn lại trực tiếp cho ân nhân của mình, mà còn “tiếp nối” bằng việc giúp đỡ người khác. Vì vậy, lòng biết ơn tạo động lực cho chúng ta không chỉ cải thiện cuộc sống của bản thân mà còn cả hoàn cảnh của mọi người xung quanh.
Bên cạnh đó, những phát hiện trên cho thấy lòng biết ơn là một cảm xúc thúc đẩy cá nhân hành động. Tuy nhiên, ít có nghiên cứu trực tiếp khám phá chính xác lòng biết ơn tạo động lực cho chúng ta như thế nào. Tại sao lòng biết ơn lại truyền cảm hứng cho hành động tích cực thay vì tự mãn?
Gần đây chúng tôi đã tìm ra câu trả lời. Phát triển từ những nghiên cứu trước đây, chúng tôi mong muốn bằng chứng chính xác hơn về việc tại sao và bằng cách nào mà lòng biết ơn lại thúc đẩy người ta có những thay đổi tích cực trong cuộc sống của mình và thế giới xung quanh.
Chúng tôi xác định bốn hướng riêng biệt, qua đó cho thấy thể hiện lòng biết ơn có thể tạo động lực cho ngưoi ta cải thiện bản thân và cộng đồng của mình.
1. Sự gắn bó
Chúng tôi tin rằng cảm thấy biết ơn thúc đẩy chúng ta nhìn lại những mối quan hệ và dẫn dắt chúng ta cảm thấy gần gũi và gắn bó hơn với người khác. Quan trọng là gia tăng tính gần gũi sẽ giúp tạo động lực và duy trì nỗ lực tự phát triển bản thân của mình.
Hỗ trợ cho những ý kiến trên, chúng tôi tìm thấy chứng cứ cho thấy con người trải nghiệm cảm giác gần gũi và gắn bó với người khác mạnh mẽ hơn khi họ thực hiện một hay hai hành động tri ân khác nhau (gợi nhớ lại một trải nghiệm biết ơn, hay viết một bức thư tri ân) hơn là khi họ gợi nhớ lại thời điểm họ cảm thấy nhẹ nhõm hay liệt kê những gì họ làm tuần trước.
Thêm vào đó, chúng tôi thực hiện một nghiên cứu với học sinh lớp 9 và lớp 10, và nhận thấy học sinh nào thể hiện lòng biết ơn với cha mẹ, thầy cô, hoặc huấn luyện viên sẽ cảm thấy gần gũi và gắn bó với họ hơn, từ đó gia tăng mong muốn cải thiện bản thân, cũng như lòng tự tin và năng lực làm việc hướng tới quá trình tự cải thiện này.
Tại sao lại như vậy? Hãy nghĩ theo cách này: bằng việc tăng cường kết nối xã hội, lòng biết ơn tưởng thưởng cho chúng ta bằng một mạng lưới hỗ trợ và động viên mạnh mẽ, dẫn dắt chúng ta cảm thấy chúng ta đủ năng lực đương đầu với những thử thách lớn. Ví dụ, một phụ nữ có thể cảm thấy biết ơn một người bạn đã giúp cô hồi phục sau trận bệnh. Điều này giúp cô cảm thấy gần gũi và gắn bó hơn với người bạn này, cũng như thúc đẩy cô ăn uống lành mạnh hơn, tập luyện nhiều hơn để chứng tỏ cho bạn cô thấy thời gian bạn dành cho cô phục hồi là không lãng phí. Cảm giác gắn bó cũng nhắc nhở cô gái về những người quan tâm đến cô và mong muốn cô được khỏe mạnh.
Cảm giác gần gũi và gắn bó với người khác cũng động viên chúng ta cải thiện bản thân và trở thành người tốt hơn vì chúng ta muốn chứng tỏ chúng ta xứng đáng với mối quan hệ đó, và vì chúng ta cảm thấy được động viên, hỗ trợ và truyền cảm hứng bởi những người xung quanh ta.
2. Thăng hoa
“Thăng hoa” là từ khoa học chỉ cảm giác bay bổng có được khi chúng ta thấy người khác có những hành động tử tế; nó liên quan đến cảm giác ấm áp trong ngực và xúc động muốn trở thành người tốt hơn. Quan trọng hơn, cảm giác thăng hoa truyền cảm hứng cho người ta trở nên rộng lượng hơn, có lẽ là để bắt chước hành động nhân văn của người khác.
Chúng tôi tin rằng lòng biết ơn làm người ta cảm thấy thăng hoa – từ đó thúc đẩy động cơ và nỗ lực hương đến phát triển bản thân mình.
Đáng chú ý là chúng tôi tìm thấy những bằng chứng cho ý kiến trên ở cả sinh viên đại học và người đi làm. Trong một nghiên cứu sáu tuần, chúng tôi yêu cầu sinh viên viết một lá thư tri ân mỗi tuần cho người nào đó đã đối xử tử tế với mình, hoặc liệt kê những hoạt động hằng ngày của họ. Sau đó tất cả sinh viên được hướng dẫn làm điều tử tế với người khác như một hoạt động phát triển bản thân. Sinh viên nào thể hiện lòng biết ơn ghi nhận họ cảm thấy thăng hoa hơn – và cảm giác thăng hoa này dẫn đến họ thấy nỗ lực hơn để đối xử tử tế với người khác. Vì vậy, cảm giác thăng hoa có thể là một cách mà thể hiện lòng biết ơn có thể động viên sinh viên cố gắng hơn để trở thành một người tốt bụng, tử tế hơn. Trong một nghiên cứu tương tự trong vòng bốn tuần, chúng tôi yêu cầu nhân viên công ty viết những bức thư tri ân hàng tuần cho người nào đó giúp họ nói chung, hoặc giúp họ trong công việc, trong chăm sóc sức khỏe. Những nhân viên này thấy được khuyến khích cố gắng cải thiện bản thân bằng cách trở nên tử tế hơn, làm tốt công việc, hoặc cải thiện sức khỏe của mình. Nhân viên trong nhóm thứ tư được hướng dẫn chỉ cần liệt kê hoặc động hàng ngày của mình mỗi tuần và tập trung vào việc phát triển bản thân nói chung. Tất cả nhân viên có quyền tự do lựa chọn bước nào để cái thiện bản thân.
Đáng chú ý là, so sánh với những nhân viên chỉ liệt kê hoạt động hàng ngày của mình mỗi tuần, nhân viên nào viết bất kỳ loại nào trong ba loại thư tri ân mang đến cảm giác xúc động, bay bổng, và được truyền cảm hứng trở thành người tốt hơn – sau đó đều gia tăng hiệu quả làm việc, tăng cường sự tự giác vào cuối nghiên cứu. Những phát hiện này cho thấy sự thăng hoa – thấy được truyền cảm hứng và bay bổng – có thể tạo động lực cho chúng ta khổng chỉ trở nên khỏe mạnh, rộng lượng hơn mà còn trở thành những nhân viên tốt và hiệu quả hơn.
3. Sự khiêm nhường
Chúng tôi tin rằng lòng biết ơn giúp chúng ta trở nên khiêm nhường hơn vì thể hiện lòng biết ơn kéo sự tập trung ra khỏi bản thân và hướng chúng ta nhận ra rằng thành công của mình, ít nhất một phần nào đó, là do hành động của người khác.
Phòng thí nghiệm của chúng tôi đủ chắc chắn tìm thấy những chứng cứ cho thấy lòng biết ơn khuyến khích cảm giác khiêm nhường thường xuyên hơn. Ví dụ, trong một nghiên cứu năm 2014 của Elliott Kruse (đồng nghiệp chúng tôi), người tham gia được ngẫu nhiên chỉ định hoặc là viết một lá thư tri ân, hoặc viết về những gì họ làm trong vòng hai tiếng trước. Sau đó tất cả người tham gia phải tưởng tượng ra một ai đó đang giận dữ với mình và mô tả phản ứng của mình với người đó. Những người trong tình huống tri ân có những phản hồi khiêm nhường hơn – ví dụ, họ thiên về hướng cân nhắc ý kiến của người khác hơn và có khả năng chấp nhận lỗi lầm hơn.
Bởi vì sự khiêm nhường cho phép chúng ta nhìn nhận rõ ràng hơn người khác đã hỗ trợ chúng ta ra sao, nó khuyến khích chúng ta có những hành vi tích cực, như là giúp đỡ người khác, trở thành người tốt hơn, để đáp đền những người đã từng giúp đỡ mình trên đường đời. Ví dụ, một học sinh cảm thấy khiêm nhường trước toàn bộ thời gian mà giáo viên toán đã dành để khuyến khích cậu, đảm bảo cậu hiểu cách giải các bài toán. Cảm giác khiêm nhường này sẽ là động lực cho cậu làm tốt hơn ở trường – chẳng hạn như tận dụng dịch vụ gia sư, các hoạt động ngoại khóa – (một lần nữa) để chứng mình cho chính bản thân mình và giáo viên của mình thấy thời gian và công sức dành cho cậu là không uổng phí.
4. Sự mắc nợ
Không phải mọi suy nghĩ liên quan đến lòng biết ơn đều dễ chịu, một số suy nghĩ thậm chí có thể kỳ cục và đáng lo. Nhìn lại việc người khác đã giúp đỡ chúng ta nhiều thế nào có thể làm chúng ta cảm thấy bắt buộc phải trả ơn cho họ, thấy không thoải mái vì ban đầu chúng ta cần giúp đỡ, thấy tội lỗi vì không cám ơn họ sớm hơn. Nghiên cứu của chúng tôi tìm thấy chứng cứ cho thấy thể hiện lòng biết ơn dẫn đến những trải nghiệm cả tích cực lẫn tiêu cực, cảm thấy thăng hoa lẫn mắc nợ cùng một lúc.
Nhưng những cảm xúc lẫn lộn này có thể giúp chúng ta có những hành động tích cực. Thực ra, trong một nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy thể hiện lòng biết ơn làm cho học sinh trung học cảm thấy mắc nợ hơn với những người giúp đỡ mình – từ đó gia tăng động lực, khả năng, và tự tin hướng đến cải thiện bản thân. Phát hiện này cho thấy mặc dù các học sinh cảm thấy không dễ chịu, có một số cảm xúc tiêu cực – cụ thể là mặc nợ – có thể đặc biệt truyền cảm hứng cho chúng ta, thắp lên ngọn lửa của niềm tin để đền đáp điều tốt đẹp mà người khác mang lại cho chúng ta – từ đó giải phóng cảm giác mắc nợ đang mang trong lòng.
Kết hợp lại với nhau, chứng cứ cho thấy rõ rằng thay vì dẫn dắt chúng ta đến việc thư giãn, trì hoãn, trở nên tự mãn, lòng biết ơn thường giúp thúc đẩy chúng ta hướng đến mục tiêu và trở thành người tốt hơn.
Dĩ nhiên, nghiên cứu trong lĩnh vực này vẫn còn đang trong giai đoạn phát triển. Tuy nhiên từ những kết quả tới giờ, chúng tôi tin rằng cảm giác gắn bó, thăng hoa, khiêm nhường, và mắc nợ từ lòng biết ơn rồi sẽ thúc đẩy chúng ta có nhiều nỗ lực hơn trong trường học, công việc, cộng đồng, những mối quan hệ của mình, có lẽ cả việc thúc đẩy chúng ta hướng tới mục tiêu mà chúng ta không nghĩ là khả thi.Vậy nên, lòng biết ơn có thể có sức mạnh không chỉ làm chúng ta hạnh phúc và thúc đẩy chúng ta cải thiện cuộc sống của mình. Mà hơn thế, nó có thể truyền cảm hứng để chúng ta trở thành những thành viên tích cực hơn của xã hội và những công dân tốt hơn của thế giới.
Nguồn bài viết: https://greatergood.berkeley.edu/article/item/how_gratitude_motivates_us_to_become_better_people
Tác giả: CHRISTINA N. ARMENTA, SONJA LYUBOMIRSKY
Người dịch: T3 Hiền